Muốn cây sầu riêng phát triển tốt cho năng suất và đạt chất lượng như mong đợi thì việc chăm sóc tốt trước các yếu tố tác động là rất quan trọng. Vậy đâu là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của cây sầu riêng. Cùng Agrino điểm qua 4 yếu tố sau đây!
1. Mưa
Nước mưa đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động phát triển từ sinh lý đến hóa học của cây sầu riêng. Tuy nhiên, nước mưa cũng như con dao 2 lưỡi nếu lượng mưa quá nhiều sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cây.
Mưa tác động trực tiếp đến cây sầu riêng chủ yếu ở các giai đoạn:
- Xiết nước, tạo khô hạn cho cây ra hoa: cây sầu riêng trong quá trình xử lý hoa cần ít nhất 1 - 2 tuần để chuyển trạng thái từ sinh trưởng sang sinh sản. Thế nên, giai đoạn này nếu cây gặp mưa sẽ khó hoặc không thể ra hoa và có nguy cơ không đậu trái, ảnh hưởng trực tiếp để năng suất cả vụ mà mùa sau.
- Mùa mưa rễ bị ngập úng, thiếu oxy: tình trạng mưa lớn kéo dài làm cho bộ rễ của cây không có khả năng sử dụng oxy. Khi đất bị ngập úng sẽ làm oxy trong đất bị đẩy ra hết, rễ thiếu hụt oxy cần thiết cho việc chuyển hóa năng lượng. Tình trạng rễ thiếu oxy, ngập úng lâu ngày sẽ dễ dẫn đến thối chết rễ và nặng hơn là chết cả cây.
- Giai đoạn dưỡng hoa: mưa nhiều trong khoảng thời gian này rất dễ làm rửa trôi các phấn hoa, dẫn đến giảm khả năng thụ phấn và tỷ lệ đậu trái sau này. Bên cạnh đó việc mưa lớn kéo dài còn tạo điều kiện cho các nấm bệnh phát sinh gây hại cho bông như: thối bông, khô đen bông và sâu ăn bông gây hại.
- Sầu riêng nuôi trái: Mưa làm cho cây dễ bị sốc nhiệt gây rụng bông, trái nhất là trái non; dễ dẫn đến hiện tượng trái mất hộc, trái sượng. Ngoài ra, độ ẩm cao trong mùa mưa là điều kiện lý tưởng để nấm bệnh nhất là nấm Phytophthora palmivora phát triển mạnh gây các bệnh như: thối trái, thối rễ,....
2. Nắng
Bên cạnh mưa thì nắng điều kiện ánh sáng không thể thiếu cho quá trình quang hợp, tạo ra năng lượng cho cây sầu riêng. Tuy nhiên, việc thiếu và thừa ánh sáng đều có thể gây hại rất lớn cho cây.
- Cây thiếu nắng: việc trời mưa âm u kéo dài làm cho khả năng quang hợp của cây bị suy giảm, cây phát triển chậm. Hiện tượng này thường thấy ở các cây trồng xen kẽ với các cây công nghiệp khác như: tiêu, điều, cà phê,....từ đó làm cây bị còi cọc, ít lá và thân kéo dài.
- Quá nắng, thời tiết nóng, khô hạn: sầu riêng cần lượng ánh sáng lý tưởng. Tuy nhiên khi ánh sáng quá mạnh, nhiệt độ cao, nắng gắt gây khô hạn sẽ làm lá nhanh mất nước, dễ bị cháy lá, giảm quá trình quang hợp. Tình trạng này làm cho cây bị mất cân bằng nước, tiêu hao năng lượng làm cây trở nên yếu ớt, rụng bông, rụng trái là điều không tránh khỏi và tiềm ẩn các đối tượng sâu bệnh hại tấn công lên cây.
3. Nhiệt độ thấp, lạnh
Sầu riêng là loại cây ăn trái nhiệt đới thế nên rất nhạy cảm với các điều kiện thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp. Khi cây gặp giá rét sẽ làm các chất nguyên sinh trong tế bào đông lại gây tổn hại lớn đến cấu trúc tế bào và làm vỡ thành tế bào trong cây.
Nhiệt độ thấp còn ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý của cây, làm chậm sinh trưởng và thậm chí là gây chết cây. Thông thường vườn ở khu vực Tây Nguyên thường hay gặp phải tình trạng này nhất là giai đoạn cuối năm. Thế nên, bà con nhà vườn cần có chế độ dinh dưỡng, tăng cường chống sốc cho cây kỹ trong giai đoạn này.
4. Vấn đề về đất
Sầu riêng được trồng trên nhiều nền đất khác nhau tùy thuộc vào địa hình, tính chất đất ở mỗi khu vực nhưng có một số điều kiện đất đặc biệt có thể gây khó khăn và ảnh hưởng lớn quá trình canh tác. Bên cạnh đó việc tính chất đất bị thay đổi trong quá trình chăm sóc cây cũng ảnh hưởng rất lớn đến cây sầu riêng.
- Tình trạng đất mặn, nhiễm phèn hoặc chứa nhiều độc tố: trong đất chứa nhiều độc tố như sắt, nhôm, mangan,...chính là môi trường gây cản trở lớn đến sự phát triển của cây. Muốn canh tác sầu riêng đạt hiệu quả trên những loại đất này bà con nhà vườn cần tiến hành cải tạo đất kỹ càng, bổ sung hữu cơ kịp thời để giúp đất tơi xốp.
- Đất thiếu dinh dưỡng: các loại đất thiếu các chất đa lượng trung vi lượng cần thiết cho cây. Bổ sung dinh dưỡng cân đối bằng cách kết hợp phân bón hữu cơ với các dòng NPK và vi lượng để kịp thời bổ sung dinh dưỡng cho đất, hệ rễ phát triển giúp hấp thu dinh dưỡng cho cây được tốt nhất.
Trên đây là 4 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây sầu riêng. Hy vọng chia sẻ sẽ giúp bà con có thể nắm bắt cũng như có được cách chăm sóc vườn sầu riêng tốt nhất trong tất cả các giai đoạn phát triển của cây.