Sầu riêng tạo mầm thành công, bông ra mạnh, phát triển đồng đều chính là điều kiện thuận lợi giúp cây đậu trái tốt và cho năng suất cao sau này. Điều quan trọng hàng đầu là bà con cần nắm bắt các yếu tố để giúp kích bông phát triển mạnh mẽ, khởi đầu thuận lợi cho cả vụ.
4 yếu tố giúp sầu riêng ra bông mạnh
1. Lực cây
Trước khi tiến hành bước vào giai đoạn tạo mầm cho cây sầu riêng ra bông, bà con cần chuẩn bị lực cây tốt, cành-lá khỏe, sạch bệnh. Bà con nhà vườn cần chú ý tránh kích thích cây ra bông khi cây đang trong giai đoạn phát triển đọt, điều này rất dễ dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng làm cho cây phát triển không đều, bông khó ra hoặc ra không mạnh. Chỉ nên thật sự làm bông khi cây đạt đủ 2 - 3 cơi đọt đối với vườn đã cho thu hoạch và đối với vườn tơ thì cần có đủ số cành mang trái và bộ lá khỏe.
Để giúp cây khỏe, đủ lực bà con cần tiến hành các công tác chăm sóc cây trước khi làm bông. Tham khảo áp dụng các bước sau:
- Vệ sinh vườn, cắt tỉa cành nhánh nhỏ, cành bệnh sau thu hoạch. Đồng thời rải vôi hoặc Lân nung chảy dưới gốc.
- Tiến hành công tác rửa vườn (có thể rửa 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày) nhằm quản lý tốt các đối tượng nấm, tuyến trùng ở gốc và nấm, sâu, mọt gây hại cả trên thân, cành, lá
- Bổ sung dinh dưỡng hữu cơ dưới gốc và bổ sung NPK có chứa đạm cao.
- Tiến hành kích và dưỡng cơi đọt mập, khỏe bằng các amino acid giúp cây phục hồi nhanh, phát triển mạnh.
2. Dinh dưỡng
Thời gian chuẩn bị ra bông, cây cần hấp thụ đầy đủ các dưỡng chất chính như Lân, Kali sau đó là Đạm và các nguyên tố vi lượng như Canxi, Magie, Kẽm, Bo,.... Những dưỡng chất này giúp kích thích cây ra bông đều, bông khỏe và giảm thiểu tình trạng rụng hoa.
Gợi ý: Sử dụng các loại phân bón lá và phân bón chuyên dụng để cung cấp đầy đủ các vi chất cần thiết cho cây. Chú trọng sử dụng các loại phân hữu cơ chứa amino acid và vi lượng để giúp cây phát triển tốt trong giai đoạn ra bông.
Tạo mầm gốc: Lân nung chảy, DAP, NPK có Kali cao 12-12-17 và Kali đơn
Tạo mầm qua lá: Tương tự các dòng lân và Kali cao như 10-55-10, MAP, MKP, Starmax Mg, Kali rong biển
3. Tạo khô hạn
Việc tạo khô hạn cho cây là yếu tố bắt buộc để tạo nên sự thành công trong công tác tạo mầm cho cây sầu riêng. Khu vực miền tây làm nghịch vụ sẽ phải xiết nước kết hợp với đậy bạt che gốc giúp tạo khô hạn cho cây hiệu quả nhất.
Sầu riêng giai đoạn bông cần tưới nước, tùy theo độ ẩm trong vườn. Có thể tưới cách ngày để giúp bông sớm phát triển, ra đều, bông xanh khỏe và hạt phấn có chất lượng thụ phấn cao. Giai đoạn trước xổ nhụy cần giảm dần lượng nước để đảm bảo chất lượng hạt phấn, tránh ảnh hưởng đến sức sống hạt phấn và dư nước bông dễ rụng và giảm năng suất.
4. Quản lý sâu, nấm bệnh
Sâu bệnh là mối đe dọa lớn ảnh hưởng đến khả năng ra bông và năng suất của sầu riêng. Các bệnh như nấm, vi khuẩn, sâu rệp, bọ trĩ có thể làm hại cây, gây rụng bông hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của quả sau này. Thường xuyên kiểm tra vườn, vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời giúp cây phát triển khỏe mạnh, ra bông đều đặn.
Chú ý nấm gây cháy lá, nấm gây xì mủ, nấm thối rễ - gốc và sâu mọt đục cành cần sử dụng đúng các loại thuốc có tính đặc trị, mang lại hiệu quả cao và an toàn để bảo vệ cây và không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.