1. Ảnh hưởng của hạn mặn đối với cây trồng
Khi tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng thì hàm lượng của muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào. Chính sự chênh lệch áp suất này làm cho hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được, đồng thời làm cho màng tế bào bị phá vỡ dẫn đến cây bị mất nước, héo, trường hợp cây bị ngộ độc Na, Cl nặng sẽ gây chết cây.
Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng, mặn gây phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ.
Cây bị sốc mặn và rụng lá hàng loạt, trường hợp này do nồng độ muối trong nước tưới cao vượt quá ngưỡng chống chịu của cây trồng nên làm cây bị sốc và rụng lá hàng loạt, có thể dẫn đến chết cây.
Cây không bị rụng lá hàng loạt nhưng lá cây sẽ bị cháy từ chóp lá vào và sau đó lá cũng bị rụng. Tùy theo nồng độ muối hòa tan trong nước và lượng nước tưới cho cây mà số lá trên cây bị cháy và rụng ít hay nhiều. nếu tiếp tục tưới trong thời gian dài sẽ làm cho cây bị rụng lá, hoa, trái và cây suy kiệt dẫn đến chết cây.
Khả năng chống chịu mặn của cây ăn trái thay đổi tùy theo giống cây trồng và hàm lượng muối hòa tan trong nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm phân nhóm khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn trái như sau:
+ Nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5‰ -<1‰): bơ, chuối, nhãn, đu đủ, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt…
+ Nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn 1‰-2‰): sơ ri, cây có múi, ổi, vú sữa…
+ Nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 3‰-4‰): mít, xoài, mãng cầu…
+ Nhóm cây chống chịu tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 5‰-6‰): dừa, sapô, me…
Tuy nhiên, sự phân nhóm trên chỉ mang tính tương đối vì còn lệ thuộc vào từng loại giống, tuổi cây, gốc ghép, chế độ chăm sóc, đất trồng, thời gian nhiễm mặn…mà khả năng chống chịu mặn sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung khi tưới nước trong khung độ mặn nêu trên kéo dài thì đa số cây sinh trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến năng suất. Về lâu dài đất sẽ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến kết cấu đất và rất khó để khắc phục.
2. Cơ chế chống chịu mặn
Sự tích luỹ proline: Proline là một chất tan, có vai trò quan trọng để gia tăng khả năng chịu mặn. Tích lũy proline có thể bảo vệ cây trồng chống lại điều kiện bất lợi (Singh et al., 2014). Vậy, cải thiện đất nhiễm mặn bằng cây trồng chịu mặn là một giải pháp cho sản xuất bền vững, duy trì năng suất cũng như chất lượng nông sản.
Tăng mức độ tích lũy proline trong thực vật tương đương với tăng khả năng chịu mặn ở thực vật. Proline có chức năng chống thẩm thấu, bảo vệ thực vật chống lại tác động của muối hoặc thẩm thấu bằng cách ổn định các đơn vị chức năng vận chuyển electron như phức hợp II, màng tế bào, protein và enzyme như RUBISCO và ngăn hiện tượng quang hóa. Stress muối làm tích tụ các chất oxy hóa tự do (ROS reactive oxygen species) gồm các gốc superoxide và hydrogen peroxide trong tế bào thực vật.
Việc tích lũy quá mức ROS gây độc tế bào, oxy hóa các thành phần tế bào và dẫn đến gây chết. Thực vật sở hữu hệ thống phòng thủ chống oxy hóa chống lại các tác nhân ROS, proline đã được chứng minh loại bỏ các tác nhân ROS này. Việc tăng tích lũy proline sẽ giúp bảo vệ cây chống lại các thiệt hại do NaCl gây ra, cải thiện khả năng chịu mặn và tăng cường khả năng phòng thủ chống oxy hóa.
Tuy nhiên việc tích luỹ proline mang tính tích cực chỉ xảy ra trên các giống/dòng cây có khả năng chống chịu mặn hoặc trong ngưỡng chịu mặn. Proline trên các giống/dòng không có khả năng chịu mặn hoặc vượt ngưỡng chịu mặn sẽ mang tính tích luỹ tiêu cực có thể gây cháy lá.
3. Biện pháp giúp cây chống chịu được hạn mặn
Việc trồng cây ăn trái trên các vùng có khả năng bị xâm nhập mặn, bà con nên chuẩn bị cho cây một sức khoẻ tốt và các biện pháp như sau:
Cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân lân nung chảy khi làm đất. Bón cân đối phân NPK theo nhu cầu sinh trưởng của cây. Nên sử dụng các dạng phân ure chậm tan như đạm vàng (urê 46A+), đạm xanh (urê + NEB26), Ure Black,… để hạn chế thất thoát đạm.
Ngăn mặn: Cần củng cố hệ thống kênh mương xung quanh vườn, nhất là hệ thống bờ bao ngăn nước mặn xâm nhập vào vườn.
+ Trữ nước ngọt: Tranh thủ lúc có nước ngọt hoặc lúc độ mặn giảm thấp thì chủ động bơm nước ngọt (trước khi bơm cần kiểm tra độ mặn của nước) vào các mương để dự trữ. Nên sử dụng bạt cao su để lót dưới đáy mương để tránh nước thấm vào đất. Hạn chế sự bốc thoát hơi nước ở mương vườn bằng cách dọn sạch cỏ dại, bèo, lục bình và phủ nylon hay màng phủ nông nghiệp lên mặt nước. Ngoài ra, nếu có điều kiện có thể đầu tư thêm các túi trữ nước ngọt với dung tích chứa có thể lên tới 15 m3 để trữ nước rất hiệu quả.
+ Giảm lượng nước tưới: Giảm lượng nước tưới, giãn khoảng cách giữa 2 lần tưới, chỉ tưới lượng nước tối thiểu giúp cây không bị héo và mặt đất không bị khô héo. Tùy theo điều kiện kinh tế có thể lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới tiết kiệm, tưới thông minh để vừa cung cấp đủ nhu cầu nước cho cây vừa có thể giảm lượng nước tưới và công lao động.
+ Tăng cường khả năng chống chịu của cây: Phun các chế phẩm có chứa Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01N, Biobeca 0.1SP,…) và acid Humic để tăng cường khả năng chống chịu mặn. Bên cạnh đó bổ sung phun phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây và phun phân có chứa các nguyên tố canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây.
Lưu ý: Các loại cây ăn trái tuyệt đối không xử lý ra hoa lúc này.
Chăm sóc cây khỏe để tăng cường khả năng chống chịu của cây: sử dụng giống tốt; trồng cây đúng mật độ, khoảng cách; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bón cân đối NPK, phun phân có chứa các nguyên tố canxi, magiê, silic; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp và chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết.