Sầu riêng muốn đạt được năng suất cao và chất lượng trái tốt, việc chuẩn bị cho thời điểm sầu riêng xổ nhụy là rất quan trọng. Dưới đây là một số bước cần thực hiện trước khi sầu riêng xổ nhụy.
1. Chế độ dinh dưỡng
Trong suốt giai đoạn bông cần bổ sung dinh dưỡng thích hợp và cân đối để giúp bông trước xổ nhụy phát triển toàn diện. Khi bông to bằng đầu ngón tay bà con cần bổ sung vi lượng kết hợp với Amino Acid, Canxi, Bo, Kẽm cách đều 7 - 10 ngày/ lần. Việc kết hợp bổ sung dinh dưỡng giúp kéo bông, chống sốc, nuôi bông lớn, cuống bông dai, nuôi phấn, tăng cường khả năng thụ phấn.
Đặc biệt giai đoạn này bà con cần cung cấp đầy đủ hàm lượng Bo cao, nhất là giai đoạn bông 25 - 30 ngày trước xổ nhụy để giúp cuống dẻo dai, chống rụng bông, hạt phấn tốt, gia tăng tỷ lệ thụ phấn và đậu trái.
2. Cơi đọt và dàn giá
Khi mắt cua ra được 2 - 3cm bà con nên tiến hành dìu đọt cho cây sầu riêng, nhớ cho dàn lá lựa già cho cây trước xổ nhụy 10 ngày. Tiến hành dìu đọt cho cây từ giai đoạn này bà con cần nhấp nước và bón phân để cây đi đọt đến khi dàn lá già trước khi xổ nhụy để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với bông, từ đó gây nên các tình trạng như bông chậm lớn, rụng bông.
Trong quá trình sầu riêng xổ nhụy mà đi đi đọt thì chúng sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với bông làm giảm khả năng thụ phấn, tỷ lệ đậu trái thấp và dễ dẫn đến rụng bông hàng loạt.
Nếu lá chưa kịp già trước khi xổ nhụy thì bà con cần bổ sung thêm các dòng vi lượng kết hợp với Amino Acid để xịt nhanh già lá, tăng cường quá trình quang hợp để giúp nhanh già lá, tạo cơi đồng đều, hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.
3. Tỉa bông
Để tránh hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng ở các bông trên các cành cũng như chọn lựa được những bông chất lượng để tập trung chăm sóc, bà con cần tiến hành thao tác tỉa bông trên cành và chia làm 3 đợt tỉa:
- Đợt 1: tỉa bỏ những bông đầu cành, bông ở các cành cấp 2. Vị trí những bông này đa phần đều ở đầu cành nên tỷ lệ đậu trái không cao do khả năng nhận dinh dưỡng thấp.
- Đợt 2: Tỉa chùm bông - tiến hành tỉa bỏ những chùm bông hướng lế, mọc sai vị trí trên cành. Đặc biệt trong đợt tỉa này bà còn ưu tiên chọn các bông nhỏ, yếu, xấu, dị dạng hoặc bị nấm bệnh tấn công gây bệnh. Sau khi tỉa bà con để lại 4 - 10 chùm bông/ cành và tùy thuộc nhiều vào sức khỏe của cây. Khoảng cách tốt nhất giữa các chùm bông là 20 - 25cm.
- Đợt 3: Tỉa bỏ bớt bông trên cùng 1 chùm. Tới thời điểm này bà con nên ưu tiên giữ lại những chùm bông ra cùng đợt với nhau và những bông đẹp, xanh, sáng, tròn, mập, không bị sâu bệnh. Đặc biệt lưu ý không để quá 10 bông/ chùm để đảm bảo dinh dưỡng tập trung tối đa.
4. Rửa bông và quản lý bệnh
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, bà con cần nhớ tiến hành quản lý sâu nấm bệnh trên cây, lá và bông, đồng thời kết hợp phun rửa bông.
- Tiến hành rửa bông và kết hợp quản lý nấm trên bông ở 2 giai đoạn quan trọng là bông 5 - 7 ngày và bông trước xổ nhụy 7 ngày. Việc rửa bông và phun phòng nấm bệnh giúp sáng bông, bông xanh khỏe, lớn bông và phòng trừ nấm gây khô đen bông hiệu quả.
- Phun phòng trừ thêm các loại sâu bệnh như: bọ trĩ, sâu ăn bông, rệp sáp,...xen kỹ 7 - 10 ngày/ lần trước khi cây xổ nhụy.
Bà con lưu ý sầu riêng trong giai đoạn xổ nhụy rất nhạy cảm nên nếu cây đang trong trạng thái khỏe mạnh thì tuyệt đối không phun xịt thêm bất cứ thuốc gì lên bông sầu riêng.
Nếu có phát sinh sâu bệnh tấn công bông giai đoạn xổ nhụy mở mức nặng thì cần phải tiến hành phun xịt. Tuy nhiên bà con nhớ ưu tiên lựa chọn các dòng thuốc thế hệ mới, có tính mát và phun vào lúc chiều mát.
Ngoài ra, bà con cần dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ cỏ trong vườn, lá cây ở gốc sầu riêng để tạo thông thoáng và nhằm hạn chế sâu bệnh tấn công.