Điều tiết nước tạo khô hạn là kỹ thuật quan trọng trong canh tác sầu riêng, giúp cây ra bông đều và tập trung tạo nền tảng tốt cho công tác dưỡng bông, tăng đậu trái sau này. Phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, để giúp cây đạt hiệu quả cao nhất. Cùng Agrino tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật này trong bài viết dưới đây!
1. Tại sao cần xiết nước, tạo khô hạn để sầu riêng ra bông đồng loạt ?
Kỹ thuật điều tiết nước tạo khô hạn giúp cây sầu riêng chuyển từ giai đoạn sinh trưởng sang sinh sản. Mục tiêu của phương pháp này là:
- Thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa: Điều kiện khô hạn kích thích cây ra hoa mạnh mẽ.
- Hoa ra đều, tập trung: Hạn chế tình trạng bông ra không đều, giúp việc chăm sóc
- Nâng cao năng suất và chất lượng trái: Giảm hiện tượng rụng bông, trái non do cạnh tranh giữa các cổ bông và tăng tỷ lệ đậu trái.
2. Thời điểm điều tiết nước, tạo khô hạn cho cây tốt
Thời điểm áp dụng kỹ thuật điều tiết nước phụ thuộc vào chu kỳ sinh trưởng của cây và mùa vụ:
- Cơi lá đã thành thục: Sau khi lá đã lụa cứng và chuyển màu đậm hơn.
- Cây ngừng sinh trưởng đọt: Sau khi phun tạo mầm, lá già, cây ngừng đi đọt.
- Thời tiết khô ráo: Thích hợp vào đầu mùa khô hoặc thời điểm không có mưa kéo dài (đối với mùa thuận); Sau khi lên Paclobutrazol và đậy mủ (Mùa nghịch).
- Cây khỏe mạnh: Cây được bón phân, chăm sóc đầy đủ sau thu hoạch để đảm bảo đủ lực cho quá trình tạo mầm.
3. Các thao tác xiết nước tạo khô hạn cho cây sầu riêng
Bước 1: Dừng tưới nước
- Thời gian ngưng tưới: trong khoảng 20–25 ngày, tùy thuộc vào độ ẩm đất và sức khỏe của cây.
- Quan sát lá cây: Lá có dấu hiệu hơi héo, rũ nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo không gây khô héo toàn bộ cây.
Bước 2: Bón phân hỗ trợ phân hóa mầm hoa
- Trước khi ngưng tưới nước, bổ sung dinh dưỡng chứa hàm lượng Lân (P) cao, kết hợp Kali (K) để kích thích quá trình phân hóa mầm hoa.
- Tránh bón Đạm (N) vì sẽ kích thích cây ra đọt non, cản trở quá trình ra hoa.
Bước 3: Tưới nước lại để kích thích ra hoa
- Sau khi mắt cua đã sáng, tiến hành tưới nhấp nước lại để thúc đẩy mầm hoa nhanh chóng phát triển.
- Lưu ý: Không tưới quá nhiều cùng một lúc để tránh cây bị sốc nước.
Bước 4: Phun dưỡng chất kích thích ra hoa
- Phun các loại phân bón lá chứa Lân, Kali, cùng vi lượng hoặc kết hợp với dưỡng chất Bo, Kẽm, Canxi, Amino Acid để hỗ trợ quá trình ra hoa và tăng tỷ lệ đậu trái.
- Sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng nếu cần thiết, theo khuyến cáo của chuyên gia nông nghiệp.
4. Lợi ích của việc điều tiết nước tạo khô hạn
- Hoa ra đều, tập trung: Giúp cây dưỡng bông và nuôi trái tốt hơn, giảm thiểu hiện tượng rụng bông.
- Dễ quản lý dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh hại: Hoa và trái đồng loạt giúp dễ dàng bón phân theo từng giai đoạn và quản lý sâu bệnh hại hiệu quả hơn.
- Tăng năng suất: Tăng cường khả năng đậu trái, trái phát triển đồng đều, chất lượng trái tốt hơn.
- Tiết kiệm chi phí: Tối ưu lượng phân bón và nước tưới, giảm công chăm sóc.
Điều tiết nước tạo khô hạn là kỹ thuật canh tác thông minh, giúp sầu riêng ra hoa đều, tập trung, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng trái. Việc áp dụng đúng cách không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cây trồng phát triển bền vững.