Lân tạo mầm nào tốt? Bón phân quá lá hay lân qua gốc? Có dùng lân 2 chiều được không?

Lân tạo mầm nào tốt? Bón phân quá lá hay lân qua gốc? Có dùng lân 2 chiều được không?
Ngày đăng: 29/12/2023 09:43 AM

Trong quá trình tạo mầm cho cây sầu riêng, bón lân được xem là bước đầu tiên quan trọng để thúc cho già lá và phân hóa mầm hoa tốt. Tuy nhiên, sử dụng Lân nào là tốt nhất? Nên bón qua gốc hay qua lá? và có thể sử dụng Lân 2 chiều được không? là câu hỏi thường gặp của nhiều bà con nhà vườn mới tạo mầm năm đầu. AGRINO xin mời quý bà con cùng đi tìm hiểu để có những giải pháp phù hợp giúp tạo mầm hiệu quả.

1. Phân Lân là gì?

Phân Lân là một dạng phân bón vô cơ, một trong 3 thành phần không thể thiếu của cây cùng với N (Đạm) và Kali. Phân Lân chứa thành phần chính là Photpho và tồn tại dưới dạng ion photphate (PO4)3 có tác dụng tham gia vào quá trình kích thích dinh trưởng cây trồng.

2. Các dạng phân Lân hiện nay và loại nào tạo mầm tốt nhất?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dạng phân Lân, mỗi loại đều mang cho mình ưu và nhược điểm khác nhau. Trong đó người ta chia phân Lân thành 2 dạng: phân Lân tự nhiên và chế biến:

+  Các dạng phân Lân tự nhiên như: Apatit: 30 – 32% P2O5 và Photphorit: 8 – 12% P2O5

+ Các dạng phân chế biến: Lân nung chảy: Ca3(PO4)2, Supe lân: Ca(H2PO4)2

+ Một dạng phân Lân phức hợp khác là DAP chứa thành phần gồm 18kg Đạm nguyên chất và 46kh Lân nguyên chất.

Thông thường bà con nhà vườn sẽ sử dụng Lân nung chảy, Lân Super và DAP để tạo mầm cho cây sầu riêng. Tuy nhiên mỗi một loại Lân sẽ có một đặc điểm riêng nên bà con nhà vườn cần lựa chọn khi sử dụng.

+ DAP: có hàm lượng Đạm trong đó nên dễ dẫn đến cây đi đọt mà quá trình này nhà vườn cần chuyển cho cây từ sinh trưởng sang sinh sản nên nếu dùng DAP thì phải kết hợp thêm Kali trắng để ức chế cây đi đọt.

+ Super Lân: đây là dạng phân dễ tan và phân hóa mầm hoa mạnh được nhiều bà con sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, đây là một loại phân có tính axit nên sẽ không phù hợp với đất phèn, dễ làm chua đất.

+ Lân nung chảy: đây là loại phân chậm tan trong nước nhưng tan tốt trong đất (98%) và dịch rễ có tính kiềm phù hợp cho đất phèn và các vùng đất trũng hoặc đồi núi dốc giúp cải tạo đất. Đối với điều kiện đất phèn ở Miền Tây thì đây là dòng phân để bà con có thể sử dụng tạo mầm hiệu quả.

3. Bón qua gốc hay qua lá?

Bà con nhà vườn có thể sử dụng kết hợp bón phân Lân qua gốc và qua lá để giúp thúc đẩy quá trình già lá nhanh hơn và phân hóa mầm hoa tốt hơn.

Đối với bón qua gốc tùy vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu từng vùng mà bà con nhà vườn có thể sử dụng những dòng phân như Super Lân, Lân nung chảy và DAP + Kali cho phù hợp. Trên lá bà con nhà vườn sử dụng những dòng NPK có hàm lượng Lân và Kali cao để thúc đẩy nhanh già lá, ức chế đi đọt mới giúp phân hóa mầm hoa tốt hơn.

Một số dòng phân bón lá phổ biến như: 10 – 60 – 10, 10 – 50 – 10, Lân 68, Lân 86 và MKP (0 – 52 – 34).

4. Có nên sử dụng Lân 2 chiều để tạo mầm?

Lân 2 chiều là dòng Lân có khả năng kích kháng cao với thành phần là Photphonate, vẫn có thể sử dụng cho hầu hết các giai đoạn như: nhú mầm hoa, phát triển mầm, trước xổ nhụy, đậu trái non và phát triển trái. Tuy nhiên, do đây là dòng Lân kích kháng nên hiệu quả sẽ không cao bằng các dòng Photphate do mất một khoảng thời gian để chuyển đổi từ photphonate thành photphate nên tuy là vẫn chứa hàm lượng Lân và Kali cao nhưng bà con nhà vườn thường sử dụng các dòng bón gốc khác để tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Trên đây là những chia sẻ về các dòng phân Lân tạo mầm cũng như sử dụng sao cho hợp lý. Mong rằng những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp ích được cho bà con nhà vườn trong việc lựa chọn dòng Lân tạo mầm phù hợp với điệu kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu địa phương. Xin cảm ơn !

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline