Khâu xử lý ra hoa (bông) rất quan trọng quyết định thành bại bước đầu của cả mùa vụ, nhất là sầu riêng nghịch vụ. Vậy nên bà con đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tạo mầm cần lưu ý các vấn đề sau đây.
1. Lực cây
Trong suốt quá trình chăm sóc cây sầu riêng, việc đảm bảo lực cây trước trong và cả sau tạo mầm đều rất quan trọng. Cây sầu riêng cần đủ khỏe với bộ rễ to khỏe hút dinh dưỡng tốt kết hợp bộ lá xanh dày, đủ lá và thân cành nhánh to khỏe sạch bệnh để giúp việc tạo mầm diễn ra thuận lợi nhất. Việc lực cây đủ khỏe góp phần quan trọng giúp cây hấp thu tốt dinh dưỡng, chuyển hóa tốt lượng phân bón tạo mầm cũng như thúc đẩy cây đạt trạng thái chuyển từ sinh trưởng sang sinh sản. Tuyệt đối không xử lý ra hoa đối với những cây đang bị vàng lá thối rễ và bị cháy lá nặng, vì dinh dưỡng sẽ không được hấp thụ tốt và hơn hết là tình trạng sức khỏe của cây không đảm bảo kết hợp mất năng lượng bên trong cây, nặng sẽ dẫn đến chết cây.
2. Bón Lân tạo mầm
Trước hết cần nắm bắt thời điểm và liều lượng bón: bà con cần phân biệt các loại lân dùng cho tạo mầm cũng như thời điểm bón cũng khác nhau.
- Lân nung chảy: thông thường loại này nó không tan trong nước nên cây hấp thụ rất lâu bà con cần phải bón sớm. Thời điểm tốt nhất là cơi lá cuối nhú mũi giáo là đã bón được rồi. Liều lượng: 3-5 kg/ gốc
- Super Lân: bón vào thời điểm lúc cơi đọt cuối vừa mở được đến 2 lá. Liều lượng: 2.5 - 3kg/gốc. Tuy nhiên loại này có thể làm tụt pH đất nên tốt nhất là bà con kết hợp bón cả 2 dòng là lân nung chảy và cả Super Lân.
- Các dòng phân lân hòa tan hoặc công nghệ tháp cao sẽ được sử dụng thời điểm các cặp lá đã mở đều: 1kg/ gốc
Bên cạnh đó, giai đoạn này bà con nhớ bổ sung thêm hữu cơ để ổn định lại môi trường đất, nâng pH trở lại cũng như giúp pH đất duy trì ở mức ổn định và giúp hệ rễ phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt.
- Bà con cần có phương pháp tạo mầm qua lá, chú ý lựa chọn các dòng sản phẩm có Lân, Magie, Kali trong suốt quá trình tạo mầm để giúp góp phần duy trì pH đất cũng như thúc đẩy quá trình quá trình phân hóa mầm hoa, để cây thay đổi trạng thái ra hoa hoàn toàn.
3. Khâu dọn mô, đậy mủ
Bà con nhớ thực hiện các công tác sau:
- Mô phải được dọn sạch cỏ trước khi đậy mủ, đặc biệt với các vườn phun thuốc thì nên canh phun sao cho tới ngày đậy mủ cỏ đã khô héo hết là ổn.
- Tỉa chèo tốt nhất khi đã lên paclo được 3 ngày tiến hành tỉa chèo (cắt cành tay bơi). Thông thường các vườn cắt tỉa sớm tới lúc ra bông sẽ có rất nhiều cỏ và chăm rất cực.
- Tiến hành đậy mủ rồi hãy lên paclo bởi nếu gặp trời mưa rất dễ làm rửa trôi xuống vùng rễ bên dưới, Paclo tồn đọng quá lâu trong đất rất dễ gây hại cho cây.
- Vét mương, tháo hết nước trong mương trước khi tiến hành đậy mủ để tạo khô hạn cho cây.
4. Cách dùng Paclobutrazole
Đối với sầu riêng nghịch vụ cần dùng Paclobutrazole để tăng hiệu quả tạo mầm và mắt cua ra đều hơn. Nếu bà con không sài Paclobutrazole thì cây rất khó ra hoa tập trung, tuy nhiên sử dụng không đúng sẽ rất hại cho cây.
- Liều thông dụng là : 1kg paclo + 0.5kg toba jum cho phuy 200 lít
- Bà con lưu ý chỉ nên phun ở dưới cành.
Sau khi lên Paclo bà con nên đi thêm 1 cữ tạo mầm lần cuối cách 7 ngày.
5. Phá miên trạng và gặp mưa
Phá miên trạng để mầm hoa nhanh phát triển thành hoa và kéo mắt cua nhanh chóng, giảm tình trạng mắt cua bị nín lại gặp tình trạng mưa. Thường ngày mắt cua sáng rất dễ gặp mưa cho nên khi mắt cua đã sáng đều bà con nên tiến hành phun rước mắt cua để cho nó ra luôn. Lựa chọn các dòng rong tảo biển, vi lượng kết hợp với Bo, Kẽm sẽ giúp kéo mắt cua nhanh và hạn chế mắt cua bị nín (chai) hiệu quả.