Tỉa bông, tỉa trái là bước quan trọng sau khi tiến hành xử lý ra hoa và xổ nhụy thành công nhằm tránh cây ra đọt non và cạnh tranh dinh dưỡng ảnh hưởng đến chất lượng bông, trái, mùa vụ. Vậy kỹ thuật tỉa như nào là đúng, khi nào nên tỉa để giúp cây cho năng suất cao và trái có chất lượng tốt không bị hư, sượng và có giá trị thương phẩm cao.
1. Thời điểm lý tưởng để tiến hành tỉa bông, tỉa trái
Sau khi đã xử lý ra bông và trái thành công, bên cạnh việc bổ sung nước, quản lý sâu bệnh, quan sát thời tiết và dinh dưỡng, bà con cũng cần tỉa bông, tỉa trái. Thông thường, cây sầu riêng có rất nhiều bông, trái và thường tập trung thành 3 đợt chính.
Đối với bông sầu riêng cần được tỉa thưa và có 2 cách tỉa thưa chính:
- Tỉa thưa bông ra của đợt 1 và 3 và không tỉa bông ra của đợt 2
- Ngược lại, chỉ tỉa bông ra đợt 2 và không tỉa bông ra của đợt 1 và 3.
Tỉa theo trường hợp nào tùy thuộc vào nhà vườn cũng như thời điểm thu hoạch.
Khi tỉa bà con ưu tiên tỉa bỏ các phần sau:
- Tỉa bỏ những hoa có cuống nhỏ, mọc quá khít nhau hoặc mọc tận đầu cành.
- Tỉa bớt tầm 60% số chùm bông/ cây để tăng trọng lượng bông cũng như hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng của các bông trên cùng 1 cành.
Lưu ý, tốt nhất bà con không nên giữ lại tất cả các bông (hoa) phía đầu cành vì điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thụ phấn và đậu trái của cây sầu riêng.
Đối với trái sầu riêng:để trái phát triển tốt, đồng đều, đạt được chất lượng trái tốt. Đầu tiên, bà con cần loại bỏ đi những trái bị lép múi và có hình dáng không đẹp. Tỉa trái được chia làm 3 lần chính:
- Lần 1: tỉa trái rơi vào tuần thứ 3 hoặc 4 sau khi hoa nở và kết thúc trước khi trái bắt đầu phát triển nhanh (vào khoảng tuần thứ 5). Dầu hiệu nhận biết lúc này là trái sầu riêng có kích thước bằng hạt mít.
- Lần 2: tỉa trái vào tuần thứ 8 khi trái đã bằng quả trứng gà
- Lần 3: tiến hành tỉa khi trái vào tuần 10, trái lúc này đã bằng nắm tay.
Quan sát và tỉa các cành trái có đặc điểm sau:
- Trái mọc quá dày và khít nhau
- Trái bị méo mó, phát triển không bình thường
- Trái bị sâu bệnh, tránh lây bệnh cho trái khỏe
2. Kỹ thuật tỉa bông và trái sầu riêng chuẩn
Sau khi đã xác định được khi nào cần tỉa bông, tỉa trái. Tiếp đến, bà con cần nắm bắt tốt kỹ thuật để đảm bảo toàn bộ quy trình diễn ra thành công và đạt được kết quả như mong muốn.
2.1 Kỹ thuật tỉa bông
Dụng cụ: chuẩn bị kéo và các dụng cụ chuyên dùng để tỉa bông
Cách tỉa bông:
- Sau khi thấy bông đã nở rõ, dài tầm khoảng 2 - 4cm thì bà con bắt đầu tiến hành bắt tay vào tỉa bông. Tỉa bỏ khoảng 25cm giữa các chùm bông và tỉa bỏ tất cả các bông ở đầu cành.
- Có thể dùng tay bẻ những chùm bông xấu, bị bệnh. Tuy nhiên thao tác này phải thật nhẹ nhàng và tránh làm ảnh hưởng chùm bông được chọn lọc bên cạnh.
- Dùng dụng cụ chuyên dùng để tỉa bỏ các chùm trên cao, chú ý quan sát thật kỹ, thao tác cần nhẹ nhàng và yêu cầu có độ chính xác cao.
- Sau khi tỉa bông, các chùm bông sẽ rải đều trên cành, tạo khoảng cách an toàn và thuận lợi cho quá trình thụ tinh thụ phấn sau này.
- Việc tỉa bông cần kết thúc trước 1 tháng khi cây bắt đầu nở hoa, xổ nhụy.
2.2 Kỹ thuật tỉa trái sầu riêng
Dụng cụ: chuẩn bị kéo và các dụng cụ chuyên dùng để tỉa trái
Có 3 lần cắt tương ứng với 3 thời điểm đã nêu trên:
- Lần 1: cắt tỉa bỏ các trái dày đặc trên chùm (tốt nhất mỗi chùm không để quá nhiều hơn 2 trái), tỉa bỏ luôn các trái méo mó và sâu bệnh.
- Lần 2: cắt tỉa những trái có dấu hiệu phát triển không bình thường để có thể điều chỉnh, bổ sung và cân bằng dinh dưỡng nuôi trái hợp lý, thuận lợi cho quá trình tạo cơm.
- Lần 3: Cắt tỉa bỏ những trái không mang đặc trưng của giống nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển múi, cơm, kích thước, hình dàng cũng như đạt chuẩn bán ra.
Tùy thuộc vào từng giống và số năm tuổi của cây sẽ có số lượng trái trên mỗi chùm phù hợp. Thông thường, tốt nhất là bà con không để quá 2 trái trên chùm và trên cây sau khi cắt còn tầm trung bình 60 - 100 trái và rải đều trên các cành mang trái.
Nếu bà con để quá nhiều trái trên cành rất dễ làm cành bị khô ngay sau khi thu hoạch hoặc trái khó phát triển đồng đều do sức khỏe cây, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo.
Cuối cùng, bà con sau khi tỉa bông, tỉa trái nhớ tưới nước, bón phân theo quy trình để đảm bảo duy trì độ ẩm, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây khỏe đủ sức dưỡng bông, đậu trái và cho năng suất trái vượt trội.