Vai trò của Canxi và Boron đối với cây sầu riêng
Canxi và Boron là 2 thành phần vi lượng rất quan trọng đối với cây sầu riêng nhất là giai đoạn dưỡng bông, nuôi trái. Phân vi lượng có thể không được dùng nhiều như phân đa lượng nhưng lại là thành phần không thể thiếu. Trong đó, Canxi và Bo góp giúp cây phát triển và là tác nhân hoạt hóa các enzym giúp cây trồng phát triển.
1. Vai trò của Canxi (Ca)
Canxi (Ca) cùng với lưu huỳnh (S) và Magie (Mg) tạo thành 3 dưỡng chất trung lượng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Chất Canxi chiếm phần lớn trong cấu tạo vách tế bào thực vật. Canxi chủ yếu tham gia vào sự hình thành vách tế bào, hoạt chất của nhiều loại men có tác dụng rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng của môi trường bên ngoài, tăng cường sự nở hoa và độ bền của hoa, sự dẻo dai của cuống hoa.
Bên cạnh đó, Canxi còn đóng vai trò giúp kích thích bộ rễ phát triển, hình thành các hợp chất tạo nên màng tế bào và giúp cây trở nên cứng cáp hơn. Canxi còn giúp trung hòa các axit hữu cơ có lợi bên trong đất từ đó giúp đất tốt, hơn hết là ổn định cấu trúc đất trồng, rễ cây khỏe, cây hấp thu dinh dưỡng tối đa.
Một số biểu hiện của cây thiếu Canxi:
Khi thiếu Canxi ta có thể thấy các dấu hiệu sau trên cây: đầu chớp lá và hai bên mép lá dần chuyển sang màu bạc trắng sau đó bị đen, uốn cong và xoắn lại. Đối với phần thân cây sẽ thường xuất hiện rễ phụ, lông hút, rễ sinh trưởng chậm. Một số trường hợp cây bị thiếu canxi nặng, hoa và trái sẽ dễ bị thối thành từng mảng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản.
Tóm lại, cây khi thiếu canxi làm ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các bộ phận như: cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, sức khỏe cây yếu nên dễ đổ ngã và sâu bệnh tấn công gây hại.
2. Vai trò của Boron (Bo)
Bo cũng là 1 nguyên tố vi lượng quan trọng đối với cây sầu riêng. Nguyên tố Bo có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của một số enzym và góp phần quan trọng vào việc hình thành phấn hoa cho cây.
Bo liên quan và góp phần vào quá trình tổng hợp protein cùng với sự phân chia tế bào, tăng cường khả năng thẩm thấu của các màng tế bào giúp việc vận chuyển Carbohydrate được dễ dàng hơn.
Ngoài ra, Bo còn cần thiết cho sự nảy mầm của các hạt phấn, rất cần thiết cho sự hình thành tế bào và hạt giống. Nguyên tố này góp phần vào việc hình thành và phân hóa mầm hoa, tăng cường sức sống hạt phấn, gia tăng tỷ lệ đậu trái và giúp giảm rụng bông, trái non.
Đặc biệt, sầu riêng được bổ sung phân bón chứa Bo giúp tăng cường khả năng chống chịu của cây trước các điều kiện thời tiết bất lợi như: chịu lạnh, chịu nóng, hạn,...Tuy nhiên bà con cần quan tâm là lượng Bo trong cây sầu riêng sẽ ngày càng giảm dần theo thời gian sinh trưởng của cây, thế nên nhớ phải bổ sung Bo đầy đủ để cây sầu riêng phát triển một cách toàn diện nhất.
Biểu hiện của cây thiếu Bo:
Sầu riêng thiếu Bo sẽ có các biểu hiện dễ nhận thấy như:
- Cây sầu riêng thiếu Bo làm hoa kém phát triển và dễ rụng
- Trái sầu riêng thiếu Bo rất dễ bị rụng nhất là trái non và hạt dễ bị lép
- Cây thiếu Bo thường yếu, rất dễ bị sâu bệnh hại tấn công, giảm khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi từ môi trường.
- Triệu chứng khác của việc sầu riêng thiếu Bo còn xuất hiện ở các bộ phận các lá non của cây. Lá non bị thiếu Bo thường bị biến dạng, mỏng và có màu xanh nhạt dần rồi mất màu.
Tóm lại, Bo rất cần thiết cho sự phát triển của cây trong hầu hết các giai đoạn. Thế nên để khắc phục tình trạng thiếu Bo bằng cách bón vào đất hoặc phun qua lá cho cây sầu riêng.