Cháy lá là hiện tượng phổ biến khi sầu riêng chuẩn bị bước vào quá trình xổ nhụy. Hiện tượng này xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến bông sầu riêng và gây hại lớn đến cả quá trình sau này.
1. Biểu hiện và thời điểm xảy ra hiện tượng cháy lá
Biểu hiện đầu tiên và dễ nhận thấy nhất chính là giàn lá có hiện tượng bị vàng và cháy xém. Các lá ngoài cùng xuất hiện các đốm lá, hoặc bị đốm rong và đôi lúc xuất hiện hiện tượng cháy nửa lá. Cháy lá làm cho lá bị khô trắng, bị sờ tay vào sẽ bị bể và có tiếng kêu rộp rộp.
Thời điểm xuất hiện bệnh cháy là khi sầu riêng trong giai đoạn dưỡng bông, chuẩn bị xổ nhụy và đang xổ nhụy. Thời điểm này cây cần rất nhiều dinh dưỡng để tập trung cho quá trình thụ phấn nên việc không cung cấp đủ dinh dưỡng hoặc bị các đối tượng bệnh hại tấn công rất dễ xảy ra hiện tượng cháy lá và cây đi đọt.
2. Nguyên nhân
Mỗi biểu hiện của bệnh sẽ có nguyên nhân tương ứng nhưng chung quy lại việc cháy là xảy ra trước khi sầu riêng xổ nhụy xuất phát từ các nguyên nhân:
- Do rễ bị hư: nguyên nhân này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của rễ để cung cấp các chất nuôi lá, bông và giúp cây đủ lực để chuẩn bị bước vào quá trình xổ nhụy.
+ Trong quá trình tạo khô hạn khá lâu, điều này dẫn đến các rễ non của sầu riêng không còn nước trong các mao mạch của chúng, từ đó sẽ xảy ra các hiện tượng cháy lá ở cây
+ Rễ bị hư một phần là do đất trồng không tốt, đất còn tồn dư nhiều vi sinh vật có hại tấn công và gây hư rễ. Đất khô cằn, thiếu màu mỡ hay đất bị phèn, chua cũng là yếu tố làm lượng nước tưới xuống bị trải tràn dẫn đến rễ khó hấp thu, ngập úng và dẫn đến hư đen rễ.
- Lá bị nấm tấn công: các loại nấm gây hại và tấn công chủ yếu lên lá giai đoạn này thường là nấm phytophthora, phusarium, Colletotrichum,....gây nên bệnh thán thư trên lá, đốm lá và vàng lá trên cây sầu riêng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, các loại nấm này sẽ phát triển tấn công và lây lan làm cháy lá diện rộng, nặng hơn sẽ dẫn đến rụng lá, trơ cành, làm cản trở đến quá trình quang hợp, chuẩn bị thụ phấn của cây
- Thời tiết sương muối: tình hình thời tiết khắc nghiệt trước khi sầu riêng tạo xổ nhụy cũng dễ gây nên hiện tượng cháy lá. Nhiệt độ quá lạnh, độ ẩm cao tạo điều kiện cho các con nấm bệnh phát triển tấn công. Ngoài ra, thời tiết sương muối còn gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây, sầu riêng không đủ sức để bước vào giai đoạn xổ nhụy và lá bị vàng.
- Thiếu dinh dưỡng như Bo và Kali: cây bị “stress” trong giai đoạn hãm nước làm bông đối với sầu riêng, thế nên đến khi bông được 30 đến 40 ngày (chuẩn bị xổ nhụy) thì mới có các biểu hiện xuất hiện trên lá.
3. Giải pháp
Giải pháp khắc phục tình trạng cháy lá sầu riêng, bà con cần áp dụng các cách bên dưới:
- Sử dụng hữu cơ khi kéo mắt cua ra rễ khỏe
Để ngăn chặn xuất hiện tình trạng cháy lá, bà con cần sử dụng phân bón hữu trong thời điểm kéo mắt cua. Việc sử dụng Can tưới hữu cơ này giúp cải thiện được tình trạng đất nghèo hữu cơ, nâng độ pH, tăng cường khả năng giữ nước kém từ đó giúp bộ rễ khỏe, tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng.
- Phun thuốc phòng trị các loại nấm
Sau khi thăm vườn, phát hiện bệnh bà con cần tiến hành phun thuốc phòng trị ngay. Bà con nông dân nhớ ưu tiên lựa chọn các dòng thuốc có tính mát để hạn chế tối đa việc khi phun làm nóng dẫn đến khô cháy bông với hoạt chất như: Metiram Complex 550 g/kg + Pyraclostrobin 50g/kg (Casino Top 600WG); Difenoconazole 200g/l + Azoxystrobin 125g/l (Phaybuc).
- Theo dõi thời tiết, rửa lá bằng nước sạch
Bên cạnh đó, bà con nhớ thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết để có thể linh động trong việc ngăn chặn sầu riêng xuất hiện cháy lá. Ngoài các loại thuốc trừ bệnh để tiêu diệt nấm gây hại, bà con cần kết hợp rửa lá bằng nước sạch để rửa trôi nấm rong, sương muối phủ hạn chế tạo môi trường cho nấm bệnh phát triển gây hại.
- Cung cấp đủ dinh dưỡng:
Bên cạnh bổ sung các dòng phân hữu cơ, bà con cần bổ sung thêm các dòng dinh dưỡng qua lá chứa các hàm lượng Bo, Kali, Amino Acid để giúp cây hạn chế gặp phải tình trạng “Stress”, tăng cường khả năng quang hợp, lá xanh dày, to bản giúp đẩy lùi hiệu quả bệnh cháy lá, dưỡng đọt hạn chế cây đi đọt và giúp cây tăng cường đề kháng tốt trước các thời tiết bất lợi, cây khỏe chuẩn bị thật tốt cho quá trình thụ phấn, xổ nhụy.