Hiện nay, có rất nhiều nhà vườn trồng cây ăn quả đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt và hệ thống tưới phun sương. Hệ thống tưới kết hợp với phun thuốc trừ sâu bệnh giúp tiết kiệm thời gian. Vậy cách tưới nước cho cây sầu riêng sao là hợp lý giúp cây khỏe, phát triển mạnh và hấp thu dinh dưỡng tốt nhất?
Các giai đoạn tưới nước cho cây sầu riêng
Sầu riêng là loại cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được ngập úng, vì vậy việc tưới nước và giữ ẩm là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng, yêu cầu tính kỹ lưỡng cao và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Việc tưới nước cần phụ thuộc vào độ ẩm đất ở từng vùng canh tác và nhu cầu của cây từng giai đoạn.
1. Giai đoạn cây sầu riêng con
Đối với cây mới trồng còn non, bà con cần tủ gốc, tưới nước giữ ẩm cho cây, nhu cầu độ ẩm là 65 - 80% độ ẩm tối đa. Ở giai đoạn này, bà còn cần chú ý tưới nước kịp thời và đầy đủ bởi cây con không thể nhanh bén rễ, lá kém xanh tốt nếu lượng nước tưới không phù hợp.
Việc tưới nước và giữ ẩm hợp lý giai đoạn cây non giúp cây hạn chế gặp phải tình trạng kém phát triển, héo hay thậm chí là chết cây. Bên cạnh đó, cần xác định độ ẩm của đất thường xuyên để kịp thời tưới nước ngay sau khi ngập úng tránh cây bị thối, chết, đảm bảo cây khỏe, sinh trưởng ổn định.
Lượng nước tưới thời điểm này phục thuộc vào độ tuổi của cây sầu riêng và mức độ khô hạn. Thông thường sẽ tưới 20 - 30 lít/ cây. Khoảng cách giữa 2 lần tưới tùy thuộc vào tốc độ thoát hơi nước, nếu số lần tưới càng nhiều thì lượng nước sẽ ít lại.
2. Giai đoạn cây ra hoa
Cây sầu riêng giai đoạn ra hoa cần tưới cách ngày giúp hoa phát triển tốt, hạt phấn mạnh khỏe. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý giảm khoảng ⅔ lượng nước cho mỗi lần tưới vào thời điểm trước 1 tuần hoa nở để giúp tăng tỷ lệ thụ phấn, đậu trái, hạn chế rụng trái. Bởi vì thời điểm thụ phấn hoa, hạt phấn nếu gặp nước nhiều sẽ dễ chết.
Bên cạnh đó, khi giảm lượng nước cần theo dõi thường xuyên để tránh héo cây, héo hoa ảnh hưởng đến quá trình đậu trái. Theo dõi và tưới nước, giữ ẩm thích hợp góp phần giúp cây khỏe, dưỡng bông tốt và tăng tỷ lệ đậu trái. Đây là giai đoạn rất quan trọng nên bà con nhớ lưu ý thật cẩn thận.
3. Giai đoạn nuôi trái
Sau khi dưỡng hoa, đậu trái, bà con cần quay lại chu kỳ tưới đủ nước để trái nhanh lớn. Thời kỳ này, yêu cầu độ ẩm cao khoảng 70 - 90%, việc cung cấp đủ nước giúp trái triển khỏe, giảm tỷ lệ rụng trái và chất lượng tốt.
Giai đoạn trái chín, cần điều chỉnh lại lượng nước tưới đảm bảo yêu cầu độ ẩm 50 - 60%. Bà con lưu ý không tưới quá nhiều nước để tránh làm giảm chất lượng trái, cơm dễ bị nhão và trái chín muộn.
Tóm lại:
Cách tưới nước cho cây sầu riêng hiệu quả như sau:
** Thời kỳ kiến thiết cơ bản:
- Duy trì độ ẩm trong đất từ 65 - 80% độ ẩm tối đa
- Mức tưới mỗi lần: từ 30 - 50 lít/ gốc
- Khi độ ẩm dưới 65% thì bắt đầu tưới lại
** Thời kỳ khai thác:
- Duy trì độ ẩm trong đất từ 70 - 90% độ ẩm tối đa
- Tưới khi ra hoa theo độ ẩm đất
- Ngưng tưới khi trước đó 1 tuần thụ phấn hoa hoặc hoa đã nở được 3 - 4 ngày
- Mức độ tưới mỗi lần: từ 100 - 150 lít/ gốc
** Điều chỉnh lịch tưới
- Khi độ mặn cao hơn 0,3%: Không tưới
- Khi lượng mưa > 200mm: Không tưới
- Khi lượng mưa từ 10mm - 20mm và độ mặn <0,3%: giảm 50% lượng nước tưới
- Khi lượng mưa <10mm, mặn <0,3%: Tưới bình thường