Sau chạy trái thì cần nuôi trái như thế nào?

Sau chạy trái thì cần nuôi trái như thế nào?
Ngày đăng: 08/11/2024 10:23 AM

Giai đoạn nuôi trái sầu riêng là thời điểm quan trọng quyết định đến chất lượng, kích thước trái. Sau khi cây sầu riêng trải qua quá trình chạy trái thành công, bước nuôi trái đúng cách sẽ giúp tối ưu hóa chất lượng mùa vụ. Dưới đây là những yếu tố và kỹ thuật cần lưu ý để cây sầu riêng phát triển trái tốt, đạt chuẩn.

1. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nuôi trái

Dinh dưỡng dưới gốc: Trong giai đoạn nuôi trái, sau quá trình chạy trái, cây sầu riêng cần nhiều Kali (K) để thúc đẩy sự phát triển của thịt trái, giúp trái lớn nhanh, ngọt và đạt chất lượng. Đạm (N) cần được duy trì ở mức vừa phải để cây đủ xanh nhưng không gây tác động tiêu cực đến chất lượng trái. Bên cạnh đó, bà con cần kết hợp bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, ưu tiên các dòng phân hữu cơ để giúp cây nhanh hấp thu, đất tốt, rễ khỏe hấp thu dinh dưỡng tối đa giúp cho cây có đủ dinh dưỡng nuôi trái.

Dinh dưỡng trên lá: Cây cần các vi lượng như Canxi, Magie, Kẽm, Bo…kết hợp thêm các dòng Amino, rong biển, Canxi. Các nguyên tố này giúp tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng, củng cố vỏ trái và giữ trái không bị nứt, phát triển đồng đều. Đặc biệt, Bo, Canxi giúp kích thích sự chắc chắn của cuống trái, tránh tình trạng rụng trái non trong giai đoạn nuôi.

Xem thêm: Giải pháp chống rụng trái non cho trái sau xổ nhụy

2. Điều chỉnh lượng nước tưới đúng cách

Tưới đủ ẩm nhưng không úng: Trong thời kỳ trái đang phát triển, nước là yếu tố cần thiết để cây chuyển hóa dinh dưỡng vào trái. Tuy nhiên, tránh tưới quá nhiều gây ngập úng vì điều này có thể làm trái bị nứt hoặc ảnh hưởng đến chất lượng.

Kiểm soát độ ẩm đất: Đất quá khô hoặc quá ướt đều gây ảnh hưởng xấu. Nên tưới vào buổi sáng sớm và giảm tưới vào thời điểm mưa nhiều để giữ độ ẩm ổn định.

3. Bảo vệ trái trước sâu bệnh hại

Phòng trừ nấm bệnh: Trong giai đoạn nuôi trái, các loại nấm như nấm Phytophthora có thể tấn công và gây thối trái. Cần kiểm tra thường xuyên và phun các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để phòng bệnh hiệu quả. Bà con có thể tham khảo các dòng chuyên trị nấm thối trái như: Metiram, Pyraclostrobin, Dimethomorph,....

Tránh sâu đục trái và ruồi vàng: Hai loại sâu bệnh này gây tổn thương trực tiếp đến trái, làm giảm chất lượng và gây thiệt hại lớn. Bà con nên sử dụng biện pháp bẫy sinh học và bao trái để bảo vệ quả sầu riêng khỏi sâu bệnh hại. Đối với các đối tượng sâu đục trái cần phun phòng ngừa trước và ưu tiên lựa chọn các dòng có tính mát để bảo vệ trái toàn diện nhất.

4. Điều chỉnh số lượng trái trên cây

Để giúp mỗi trái đạt chất lượng tối ưu, cần điều chỉnh số lượng trái sao cho phù hợp với tuổi cây và sức khỏe của cây. Việc này tránh tình trạng cây không đủ sức nuôi trái, dẫn đến trái nhỏ, kém chất lượng. Một cây khỏe mạnh chỉ nên giữ một lượng trái vừa phải để đảm bảo đủ dinh dưỡng và phát triển đồng đều. Thời điểm này cần có 1 củ tỉa trái để giúp cây có đủ sức tập trung dinh dưỡng nuôi trái hiệu quả.

5. Chăm sóc bộ lá tốt

Giữ bộ lá khỏe: Lá là nơi tạo năng lượng cho cây thông qua quang hợp. Bộ lá khỏe mạnh sẽ cung cấp đủ năng lượng cho trái phát triển. Bà con cần bổ sung phân bón lá để giữ lá xanh, dày và tránh rụng lá trong giai đoạn nuôi trái.

Phun các chế phẩm bổ sung: Các sản phẩm phân bón lá chứa Amino acid, hữu cơ và các dưỡng chất vi lượng thiết yếu giúp bộ lá xanh khỏe, tăng cường quang hợp.

Bên cạnh đó, bà con nhớ quan sát cơi đọt để có cách quản lý tốt. Nếu xét thấy cây có dấu hiệu đi đọt cần áp dụng các biện pháp chặn đọt khi cần để giúp cây có đủ dinh dưỡng nuôi trái, hạn chế tối đa việc cạnh tranh dinh dưỡng giữa đọt và trái trên cây.

Ngoài ra, bà con còn cần lưu ý: Trong những giai đoạn thời tiết bất ổn, cây có thể gặp phải các vấn đề như trái dễ rụng hoặc nứt. Trong trường hợp nắng quá gắt, nên tăng tần suất tưới nhẹ để cây giảm stress, và khi mưa nhiều cần giảm tưới, thoát nước nhanh để giữ đất thông thoáng, giúp cây phát triển tốt.

Việc nuôi trái sầu riêng đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng từ dinh dưỡng đến điều kiện chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Một quy trình nuôi trái bài bản và cẩn thận sẽ giúp cây sầu riêng đạt được chất lượng trái cao, trái lớn đều, thơm ngọt, đạt chuẩn thương phẩm và giá trị cao khi đưa ra thị trường.

 

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline